[size=2][/size]
UARS là vệ tinh đầu tiên tự lao xuống trái đất trong vòng 30 năm qua. Ảnh: NASA. |
Các nhà khoa học nhận định tốc độ rơi của UARS sẽ tăng rất nhanh khi nó bắt đầu lọt vào tầng trên cùng của bầu khí quyển - cách mặt đất chừng 100 km. Trong quá trình rơi vệ tinh - nặng khoảng 6 tấn và to bằng chiếc xe buýt - sẽ vỡ thành hơn 100 mảnh.
Ban đầu các bộ phận không chắc chắn - như ăng-ten hay tấm pin mặt trời - sẽ bị văng ra khỏi thân vệ tinh bởi tác động của các ngoại lực. Sau đó vệ tinh bốc cháy khi nó lao sâu hơn vào bầu khí quyển do sự cọ xát với không khí. Lúc ấy vệ tinh bắt đầu biến dạng và các bộ phận được tạo ra từ kim loại chịu nhiệt kém sẽ bắt đầu tan chảy.
Những bộ phận được chế tạo từ kim loại chịu nhiệt tốt - như sắt không rỉ, titan, berili - sẽ không nóng chảy và rơi xuống đất. Khoảng 26 mảnh vỡ sẽ rơi xuống đất, trong đó mảnh lớn nhất có khối lượng lên tới 150 kg. Khả năng chúng rơi xuống các đại dương là rất lớn, bởi nước bao phủ tới 70% bề mặt địa cầu.
NASA tính toán các mảnh vỡ của vệ tinh UARS có thể rơi xuống bất cứ đâu trong khu vực trải dài từ 57 độ vĩ Bắc và 57 độ vĩ Nam của đường xích đạo. Lãnh thổ và vùng biển Việt Nam trải dài từ 8°27′ đến 23°23′ độ vĩ Bắc theo hướng bắc-nam nên cũng nằm trong khu vực mà các mảnh vỡ có thể rơi xuống.
Nguy cơ gây thương vong cho người và thiệt hại về tài sản của mảnh vỡ vệ tinh UARS là 1/3.200, lớn hơn mức giới hạn an toàn 1/10.000 do NASA quy định.