Ở Palestine thì khác, bạn không cần phải hỏi và bạn sẽ luôn có những câu trả lời khác biệt. "Đi bất kỳ nơi đâu ở Palestine, các bạn cứ nói rằng tới từ Việt Nam, người dân sẽ mời bạn vào nhà để tiếp đón như thượng khách." Đại sứ Saadi đã không nói theo cách "ngoại giao" cho dù ông là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Tình cảm của người Palestine với Việt Nam là một sự ngạc nhiên với nhóm nhà báo và chúng tôi đã kiểm chứng điều ấy trên khắp các nẻo đường Palestine.
Giữa khu chợ bán hoa quả khá sầm uất giữa lòng Ramallah, chúng tôi dừng lại để mua một túi "cốm" kiểu Palestine. "Đây là các bạn tới từ Việt Nam." Đại sứ Saadi vừa giới thiệu xong thì người bán hàng đã gom một túi đầy đưa cho chúng tôi và nhất quyết không chịu lấy tiền. Buổi sáng đầu tiên của các nhà báo ở Palestine đã được chào đón như vậy.
Mộ cổ Chủ tịch Arafat ở thành phố Ramallah Bờ Tây. |
"Các bạn biết không, khi tôi 11 tuổi, tất cả dân làng chúng tôi ở đây tổ chức Liên Hoan mừng chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam." Nhà giáo Khalil Tumaizi nói. Râu tóc bạc trắng và bàn tay run run, Khalil đã quên nhiều nhưng lịch sử chiến thắng của Việt Nam thì ông nhớ khá rõ.
Những khát vọng độc lập tự do vẫn bùng cháy ở Palestine. |
Ở mọi nơi và mọi lúc, từ những người dân bình thường tới quan chức, người ta chào đón Việt Nam với một sự nồng hậu chân tình. Sẽ có nhiều vùng đất mà trong quá khứ, Việt Nam từng được nhắc tới như một biểu tượng của chiến tranh giành độc lập, là hình mẫu để họ noi theo. Nhưng chỉ ở đây, ngay lúc này, giữa vùng đất mà nỗi đau chiếm đóng còn bỏ ngỏ, Việt Nam vẫn đang tiếp tục là một nỗi khát vọng chưa dứt.
Giám đốc Học viện An ninh Palestine thoải mái trong bộ đồ thể thao tiếp đoàn Việt Nam.. |
Theo lời ông, chúng tôi đi xuống nhiều làng quê và gặp gỡ không ít người Palestine. Những bà mẹ Palestine đã già lắm vẫn ra ôm lấy chúng tôi và tận tình mang thịt nướng "bắt" chúng tôi thưởng thức. Những thanh niên Palestine vội chạy tới bắt tay khi nghe nói "Việt Nam". Ở những khách sạn năm sao sang trọng trong thế giới phương Tây, vẫn có những nhân viên lễ tân tưởng nhầm Việt Nam là một tỉnh nào đó của Nhật Bản. Nhưng ở những làng quê còn nghèo nàn này của Palestine, Việt Nam không chỉ được biết đến rộng rãi, mà còn được quý trọng một cách chân thành.
Ahman Samara, người đàn ông ở làng Belein ngoại ô Ramallah năm nay đã 63 tuổi. Ông ngồi dưới những tán cây tỏa nắng loang lổ xuống mảnh sân nhà để kể cho nhóm nhà báo nghe về những ngày ở tù với tội danh tổ chức bạo lực chống Israel của mình: "Các bạn có biết rằng chúng tôi đã kỷ niệm chiến thắng năm 1975 của Việt Nam trong nhà tù không? Trong tù, có nhiều nhóm chính trị khác nhau của Palestine nhưng tất cả đều viết mật thư và thống nhất rằng: tới giờ quản ngục cho uống trà thì chúng tôi đồng thanh hát bài "Quê hương tôi" từ các phòng giam khác nhau. Hát xong, tất cả cùng hô to: "Việt Nam độc lập dân chủ thống nhất muôn năm". Sau đó, chúng tôi uống trà trong niềm vui vô bờ bến".
Ahman Samara kể về những tình cảm với Việt Nam giữa khoảng sân nhà đầy nắng của làng Belein |
"Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong quá khứ và cuộc đấu tranh của Palestine bây giờ có nhiều điểm đồng nhưng cũng khác nhau. Các bạn xưa kia có hậu phương là khối XHCN, chúng tôi không có. Không có một viên đạn nào được cung cấp cho Palestine từ thế giới Arập. Nhưng tôi vẫn tin rằng người dân Palestine sẽ có một ngày vui như người dân Việt Nam năm 1975 bởi chúng tôi có câu thế này: Không có chân lý nào phải chết nếu còn có người đòi hỏi."
Cuối ngày, chúng tôi lật lại cuốn sổ tay và đọc thấy câu nói trên của Giám đốc Học viện An ninh Palestine. "Không có chân lý nào chết nếu còn có người đòi hỏi". Chân lý nào đây? Rất giản dị. Thế mà chúng tôi đã không nghĩ ra cho tới khi nhà báo Như Phong nhắc tới: "Đến đây mới thấy cụ Hồ nói đúng quá, Không có gì quý hơn độc lập tự do".