Cứ ngỡ rằng đây chỉ là câu chuyện chỉ có trong cổ tích, thế nhưng, nó lại đang hiện hữu trong cuộc sống xô bồ hiện đại.
Phá rẫy xây nhà tình thương
Lên cao nguyên Lâm Đồng, người người đều nhắc đến tấm gương thiện nguyện của 2 chị em dâu Trần Thị Hằng và Bùi Quang Thụ nuôi gần 300 người bị bệnh tâm thần.
Qua đoạn đường dài với những đồi thông tưởng chừng bất tận của phố núi Lâm Đồng, chúng tôi cũng đến được mái ấm Trọng Đức ở khu 11 – Thanh Bình 1 - Bình Thạnh – Đức Trọng – Lâm Đồng. Trung tâm này là mảnh ghép của những mảnh đời không lành lặn về tinh thần.
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết chị Trần Thị Hằng và anh Bùi Quang Thụ cùng sinh ra và lớn lên ở Đức Trọng, Lâm Đồng, nơi tập trung đông người dân tộc K’ru nghèo.
Mỗi ngày, trước mắt anh chị xuất hiện biết bao cuộc đời nghèo của người dân tộc. Gia đình chỉ đủ ăn nhưng anh chị cũng cố gắng giúp đỡ những người dân tộc nơi đây. Vì điều kiện kinh tế giá đình không khấm khá lắm nên anh chị chỉ giúp đỡ lúc kí gạo, lúc bao muối…
Giúp đỡ càng nhiều, lòng trắc ẩn trong anh chị càng lớn. Một hôm, anh chị đưa gạo vào giúp đỡ gia đình người K’ru nghèo. Đến nơi, trước mắt anh chị xuất hiện cảnh tượng hết sức đau lòng.
Một thanh niên tâm thần có vấn đề, bị gia đình xích, nhốt vào cái cũi đặt ở trên rừng. hàng ngày cậu chỉ được người nhà đưa cơm cho ăn một lần vào buổi sáng trước khi lên rẫy.
Dù mùa đông hay mùa hè, cậu cũng chỉ được mặc 1 bộ áo quần rách rưới. Thấy hoàn cảnh đau lòng “nước mắt tôi tự tuôn trào, cố nén nhưng vẫn không thể nào ngăn nổi. Về đến nhà, hình ảnh người thanh niên ấy cứ lẩn vẩn trong đầu”, chị Hằng bồi hồi nhớ lại.
Xúc động trước tình cảnh ấy, chị Hằng bàn tính với anh Thụ đưa người thanh niên ấy về nuôi. Anh Thụ liền đồng ý, nhưng vợ anh thì không. Sau hơn 1 tuần tỉ tê tâm sự về nỗi lòng của mình, anh mới thuyết phục được vợ đồng tình.
Chị Trần Thị Hằng
Ban đầu chỉ có 1 thành viên, nhưng càng đi nhiều, lại thấy nhiều người bị tâm thần đối xử tồi tệ.
Mỗi lần thấy hoàn cảnh đau lòng ấy, hai anh chị lại xin gia đình đưa về nuôi. Từ trước đến nay, hầu như ai cũng tránh xa chứ chưa nói đến chuyện lại có người tự nguyện đưa người tâm thần về nuôi không điều kiện.
Do đó, nhiều lúc, gia đình người bệnh nghi ngờ, cho rằng anh chị đang “mưu toan” điều không tốt, chửi rủa ngay trước mặt, nhưng anh chị vẫn cố gắng thuyết phục.
Trước tấm lòng thiện nguyện của anh Thụ chị Hằng, cuối cùng họ cũng chấp nhận. Khi chăm sóc những người bệnh tâm thần hết sức khó khăn, bởi họ không có ý thức. Lắm lúc anh chị bị bệnh nhân cào xé, đánh đập đến tơi tả. Anh Thụ cho biết “Không tuần nào chúng tôi không bị đánh đập. Chảy máu chỉ là chuyện bình thường”.
Ban đầu, anh chị chỉ có chủ ý nuôi vài người, gặp người nào bị tâm thần thì đem về nuôi. Thế nhưng, theo thời gian, nhiều người biết, họ đưa bệnh nhân đến tận nhà nhờ giúp đỡ. Không thể nào từ chối.
Cứ thế, cho đến bây giờ ở mái ấm của anh chị nuôi hơn 300 người. Số lượng người vào ngày càng nhiều, căn nhà nhỏ của anh Thụ không thể nào chứa nổi nữa.
Sau nhiều lần suy tính, anh Thụ quyết định phá rẫy cà phê của mình chừng 500 mét vuông, xây dựng thêm 1 căn phòng để mọi người sinh hoạt.
Trước sự giúp đỡ của bà con hàng xóm, nhưng số tiền để xây căn phòng vẫn không đủ, cả anh Thụ lẫn chị Hằng đành phải cầm cố sổ đỏ căn nhà mình ở để xây dựng thêm phòng sinh hoạt cho bệnh nhân.
Nam nữ nuôi cùng nhau có nhiều bất tiện. Trước đây khi chưa xây thêm phòng, anh chị đành phải chấp nhận. Nhưng khi xây thêm phòng rồi, anh chị tách ra nữ một bên và nam một bên. Hiện nay, khu nam có 142 người, trại nữ có 169 người.
Chị Hằng chia sẻ “trước đây, khi nam nữ ở chung, có nhiều điều phiền toái xảy ra như tắm rửa, thay quấn áo, ăn ngủ… mình suy nghĩ nhiều lắm nhưng cũng đành phải chấp nhận. Mình chỉ ước một điều làm sao để tách các em ra. Khi được Thụ cho biết có ý định xây thêm, mình mừng hết mức.
Cuối cùng các em cũng có nhà riêng để sinh hoạt”. Chị Hằng hồi nhớ “những ngày đầu tiên khi đưa người tâm thần về nuôi, hàng xóm bàn tán, có người nói thẳng trước mặt, chị em mình bị điên.
Họ nghĩ vậy bởi họ chưa thấy được những cảnh quá đau lòng của các em mà thôi. Nhưng bây giờ, chính những người hàng xóm ấy hàng ngày cũng đến gom góp tiền bạc chung tay xây dựng mái ấm”.
Niềm vui trở lại cuộc sống
Bệnh nhân vào mái ấm Trọng Đức ngày càng nhiều, thế nhưng hình như họ nhận thấy được tấm lòng của những con người nơi đây nên ít quậy phá, la hét… trở nên đằm tính hơn.
Thấm thoát mới ngày nào mà mái ấm Trọng Đức đã gần 6 tuổi. Sáu năm trôi qua, bên cạnh những người vào đây đã có không ít người trở nên bình thường và được hồi gia.
Ông Nguyễn Văn Thuận (70 tuổi, Bảo Lộc, Lâm Đồng), bố của anh Nguyễn Trọng Hòa (40 tuổi) chia sẻ “con tôi bị tâm thần từ lâu lắm rồi. Gia đình cố gắng chạy chữa, đem đi nhiều bệnh viện nhưng vẫn không thuyên giảm, thậm chí Hòa càng ngày càng nặng hơn.
Tưởng chừng bất lực trước bệnh của con. Nghe tin anh Thụ và chị Hằng có nuôi người tâm thần, chúng tôi đã đến gửi cháu.
Không ngờ, chỉ mới 5 tháng mà cháu lại đỡ rất nhiều. Trước đây, không biết gì, thế mà mấy ngày trước về thăm nhà nhưng Hòa nhận ra được tất cả mọi người, có thể nói chuyện.
Khi tôi nghe con của mình gọi cha mà không thể nào ngăn nổi nước mắt. Bây giờ tuổi đã 70, có lẽ đây là niềm vui lớn nhất”, người cha già hạnh phúc kể.
Những người mắc bệnh trong gian nhà chung
Qua cuộc trò chuyện, ông Thuận muốn qua đây, gửi lời cảm ơn đến gia đình anh Thụ và chị Hằng cũng như tất cả những người ở mái ấm Trọng Đức.
Ngoài ra, có không ít những người vào trung tâm, nhưng khi khỏi bệnh không muốn hồi gia mà ở lại góp phần giúp đỡ những người bị bệnh như mình đã trải qua.
Anh Ya Hon (dân tộc Chu ru) trước đây là 1 bệnh nhân tâm thần. Trong một lần tình cờ, anh Thụ bắt gặp Ya Hon bị gia đình xích, nhốt ở trong cũi ở cuối vườn. Anh chị đem về chăm sóc, đến nay, đã khỏi bệnh nhưng vẫn ở lại mái ấm.
Ya Hon chia sẻ “Trước đây, mình chăm lo làm ăn, nhưng sau khi bị kinh phong, tính cách trở nên thay đổi. Nghe mọi người kể lại, mình đánh đập cả cha mẹ, anh em, đốt nhà…
Gia đình không chịu nổi nên đành xích mình ở cuối vườn hơn 8 năm. Khi cha Thụ và mẹ Hằng đưa về gia đình Trọng Đức hai chân mình tê liệt không thể nào đi được.
Đến giờ, trong người đã khỏe, mình muốn ở lại giúp những anh em trong gia đình. Là người đã trải qua bệnh tâm thần, mình biết tâm trạng của các bạn như thế nào”, anh này tâm sự.
Tương tự là Ya Nghị (dân tộc Chu ru) cũng từng bị gia đình xích vào cây mít ở góc vườn hơn 18 năm. Trong thời gian này, có lúc nhớ, lúc không. Được anh Thụ và chị Hằng đưa về nuôi, sức khỏe ngày càng bình phục.
“Trọng Đức giờ là gia đình của mình, không muốn đi đâu nữa, mình chỉ thích ở lại bên cha Thụ và mẹ Hằng giúp đỡ anh em còn bệnh”, anh này tiếp lời.
Trong quá trình trò chuyện với những bệnh nhân sức khỏe đã được hồi phục ở đây, chúng tôi thấy mọi người khi nhắc đến anh Thụ và chị Hằng hết sức trân trọng và yêu quí.
Tất cả mọi người ở đây đều gọi anh Thụ, chị Hằng là ba, mẹ, coi mái ấm Trọng Đức là gia đình, những bệnh nhân ở đây là anh em.
Anh Thụ bộc bạch “làm từ thiện bằng chính cái tâm, cái đức, cầu mong cho mọi người khỏe mạnh nên mình chọn tên mái ấm là Trọng Đức”.
Anh tiếp tục “Không gì có thể vui hơn mỗi khi thấy những người bệnh của mình ngày một khỏe mạnh. Mỗi người trở nên bình thường, có thể hòa nhập cùng cộng đồng là một niềm vui khôn xiết. Đó là món quà lớn nhất mọi người tặng cho mình cũng như những người đã đang và sẽ giúp đỡ mái ấm”.
Mái ấm Trọng Đức giờ đây đã trở nên nổi tiếng ở phố núi Lâm Đồng. Được nhiều nhà hảo tâm thường xuyên đến giúp đỡ. Tuy nhiên, theo tâm sự của chị Hằng thì hiện nay mái ấm hết sức khó khăn.
Chúng tôi nhẩm tính, nuôi sống được hơn 300 bệnh nhân, mái ấm hàng ngày phải tiêu tốn hết 150 kg gạo, 300 gói mì tôm, chưa kể đến thức ăn, chất đốt, nhu yếu phẩm khác, số tiền chi ra mỗi tháng cũng hơn cả trăm triệu đồng.
Chị Hằng chia sẻ, hàng ngày, các tình nguyện viên phải cố công đi vận động tất cả những nơi có thể giúp đỡ, nhưng dường như không thể nào đủ được.
“Số lượng bệnh nhân trong tương lai chắc chắn sẽ tăng, nhưng bây giờ gần 300 con người, số tiền chi phí quá nhiều, mình và Thụ càng ngày càng trở nên bất lực, không biết tương lai phải làm sao”, đôi vợ chồng tâm sự.
Khi ra về, những lời bày tỏ của anh Thụ vẫn phảng phất mãi trong tâm trí chúng tôi “kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, nhiều lúc vay mượn khắp nơi mới có thể có chi phí ăn ở cho 300 con người.
Mỗi khi có ai đem đến cho dù chỉ một vài gói mì, gói muối, đôi ba cân gạo tôi cảm thấy mừng vô cùng vì có thêm người cùng chung tay giúp đỡ những con người tâm thần bất định, mà cũng vui hơn là các em có thêm cái để mà sinh sống”.
Trọng Đức
Nguồn : Phunutoday