- [*]
“Tôi đã giết một sĩ quan ngang cấp với tôi. Hắn là người đứng đầu một nhóm ủng hộ Kim Jong-un. Đã có hai cuộc đụng độ nổ ra giữa hai phe. Trong lần đụng độ đầu, họ bao vây chúng tôi và bắt đi rất nhiều người. Nhưng tôi trốn được và tập hợp những người khác từ các doanh trại. Khi quay lại, tôi đã bắn chết viên sĩ quan chỉ huy của họ, rồi bỏ trốn”, ông Kim thuật lại với Telegraph.
Nông dân Triều Tiên thu hoạch mùa màng.
Hai vụ đụng độ trong nội bộ của quân đội Triều Tiên diễn ra vào cuối năm 2011, ít lâu sau khi đại tướng Kim Jong-un thừa kế vị trí lãnh đạo tối cao Quân đội Nhân dân Triều Tiên từ người cha.
“Chia rẽ đã hình thành trước khi anh ta (tức Kim Jong-un – PV) lên nắm quyền, nhưng tất cả chúng tôi từ lâu đều biết rằng anh ta sẽ trở thành lãnh tụ. Có rất nhiều người chống Kim Jong-un. Nhưng những người này đã bị bắt sau khi anh ta nắm quyền”, Telegraph dẫn lời ông Kim.
Ông này cũng nói thêm rằng nhóm của ông ủng hộ Kim Yong-nam, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Triều Tiên, theo Telegraph.
Ông Kim, từ chối cho biết tên đầy đủ của mình, được cho là có gốc gác ở thị trấn Uiju, gần Đan Đông, thành phố Trung Quốc nằm ngay biên giới Trung – Triều.
Máy bay ném bom Harbin H-5 của Triều Tiên tại căn cứ không quân Uiju.
Ông này cũng tiết lộ với Telegraph rằng mình đã lẩn trốn tại Trung Quốc trong hai năm qua, hiếm khi ra khỏi nơi cư ngụ và đang tìm cơ hội đến Hàn Quốc.
Telegraph cho biết nếu bị bắt bởi chính quyền Trung Quốc, ông Kim có thể sẽ bị gửi trả về nước và chắc chắn sẽ phải đối mặt với bản án tử hình hoặc sống hết phần đời còn lại trong tù.
Tờ báo Anh cũng nói thêm rằng cuộc phỏng vấn ông Kim diễn ra trong một chiếc taxi đậu ở khu vực hẻo lánh tại ngoại ô Đan Đông.
Để có cuộc phỏng vấn này, Telegraph cho biết họ đã phải thông qua một mật vụ giấu tên từng giúp ông Kim trốn khỏi Triều Tiên. Chi phí phỏng vấn là 100 bảng Anh.
“Tôi đã liên lạc với tình báo Hàn Quốc, họ cũng đang có mặt ở thành phố Đan Đông này. Họ luôn theo dõi sát diễn biến quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Họ thường trả công cho tôi để giao người Triều Tiên cho họ. Ông Kim có lẽ sẽ được “bán” cho phía Hàn Quốc vào tháng tới, còn trong thời gian này thì phía Triều Tiên vẫn đang truy lùng ông ta”, người mật vụ nói với Telegraph.
Sau hai năm sống lưu vong, Telegraph dẫn lời ông Kim nói mình không biết gì về tình hình căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên trong thời gian gần đây.
“Tôi không hiểu tại sao họ lại làm những điều mà họ đang làm hiện giờ”, ông này nói với Telegraph.
“Trước khi bỏ trốn, tôi thường nghe nói rằng có xích mích giữa Kim Jong-un và anh trai, người không thích Trung Quốc. Họ khác mẹ nên thường đấu đá nhau”, Telegraph dẫn lời cựu sĩ quan Kim nói thêm.
Tuy nhiên, ông cũng tiên đoán rằng sẽ không có chiến tranh và chính quyền Kim Jong-un sẽ tiếp tục tồn tại, bất chấp các vấn đề phát sinh trên mọi miền đất nước, báo Anh cho hay.
Khi được Telegraph hỏi rằng quân đội Triều Tiên có mạnh không, ông Kim trả lời như một cái máy: “Rất mạnh”.
Tuy nhiên, viên mật vụ giúp ông này trốn khỏi Triều Tiên đã bật cười và Telegraph đã dẫn lại lời ông này giải thích rằng: “Họ (binh sĩ Triều Tiên – PV) đều được dạy rằng họ là đội quân hùng mạnh nhất thế giới với những vũ khí tốt nhất. Nhưng thực tế thì ngược lại, vũ khí của họ thuộc loại mà Trung Quốc xài cách đây 60 năm”.
(BTN)