Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện hai vụ ẩu đả nghiêm trọng. Đó là trận chiến giữa các nữ sinh ở Biên Hòa, Đồng Nai và trận hỗn chiến giữa phụ huynh và nữ sinh ở Ba Vì – Hà Nội. Nguyên nhân đều do xích mích trên Facebook.
Đánh nhau chỉ vì lời nói trên mạng xã hội ảo
Theo những điều tra ban đầu, nguyên nhân vụ đánh hội đồng bạn TP Biên Hòa là do cãi nhau, xích mích trên Facebook. Oanh (16 tuổi, học tại trường THPT hệ dân lập trên địa bàn TP Biên Hòa) đã cầm đầu nhóm nữ sinh đánh người. Nạn nhân trong vụ hành hung tên Thư (15 tuổi). Sau khi hành hung, Oanh đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Nhóm thiếu nữ đánh hội đồng một cô gái giữa đường
Nguyên nhân của vụ hỗn chiến giữa phụ huynh và học sinh cũng bắt nguồn từ Facebook. Theo nữ sinh T: “Em đang dùng Facebook trên điện thoại thì có người nhảy vào nói chuyện rồi chửi em là “xấu lại còn thích thể hiện”. Em bảo “Anh là ai mà nói em thế”.
Sau đó, anh ấy bảo, “mày thích ý kiến à để tao bảo em tao lên nói chuyện”. Em bảo em không sợ thì đến thứ 6, khi đi học về thì em gặp D. Bạn ấy hỏi em “mày chửi anh trai tao à” rồi dọa em và chặn không cho em về nhà. Lúc sau mẹ em đến thì xô xát với D.”.
Trong khoảng thời gian ngắn, hai sự việc đáng tiếc liên tiếp xảy ra, với những nguyên nhân khó chấp nhận. Facebook thực chất chỉ là trang mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đã quá phụ thuộc vào Facebook và cho rằng đó là đúng đắn. giới trẻ đang tự vẽ cho mình một cuộc sống mới, khác với cuộc sống bên ngoài. Một số bạn trẻ lại xem mạng xã hội như một cứu cánh, họ sống với thế giới ảo đó, và quên mất bản thân trong đời thực.
Facebook nơi gắn kết hay thù hằn?
Hiện nay những thông tin từ mạng xã hội phát tán rất nhanh và dễ dàng, những vụ đánh nhau của các học sinh nam nữ xuất hiện đầy rẫy trên mạng xã hội. Và tốc độ truyền đi của nó thật khủng khiếp.
Cùng với đó, Facebook là môi trường thuận lợi cho tâm lý đám đông, nhiều bạn trẻ hùa theo đám đông, a dua một cách vô thức, hồn nhiên cổ vũ cho việc đánh nhau, đã phần nào làm cho thù hằn không được giải quyết mà càng chồng chất.
Những tác hại tiêu cực của Facebook đã phần nào làm hạn chế các giá trị đạo đức, văn hóa nhân văn của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay.
Nhiều bạn trẻ có thể ngồi hàng giờ trên Facebook, liên tục cập nhật status, hình ảnh… rồi đợi bạn bè comment, like, sau đó trả lời comment, càng nhiều comment, nhiều like càng thích càng chứng tỏ mình “đẳng cấp”.
Hệ lụy của việc “nghiện” Facebook là: học tập sao lãng, ảnh hưởng đến sức khỏe gây giảm thị lực, mất ngủ, tinh thần mệt mỏi…
Facebook được xem là ngôi nhà riêng của mỗi người, ai cũng có thể tạo cho mình một hay nhiều tài khoản, đây cũng là nơi người ta được tự do chia sẻ những cảm xúc, giao lưu gặp gỡ bạn bè.
Xét một cách khách quan Facebook đơn thuần chỉ là một thế giới ảo. Không phải do Facebook mà giới trẻ cãi nhau hay đánh nhau. Facebook không có tội.
Chỉ có những người đang đắm chìm trong vòng xoáy ảo đó, không biết đâu là đúng đâu là sai thì mới đáng trách.