Mùa hè năm 2014 đánh dấu thời điểm “đổ bộ” của khá nhiều bộ phim bom tấn, từ quái vật biển khơi Godzilla đến siêu anh hùng người nhện, Captain America, chưa kể mụ phù thủy hắc ám Maleficent và nhiều tác phẩm khác còn chưa ra mắt. Tuy nhiên, nếu phải nêu ra một cái tên tiêu biểu và được chờ đợi nhất của mùa phim này, chắc chắn sẽ có rất nhiều người chọn X-Men: Ngày cũ của tương lai. Là phần thứ bảy trong loạt phim bom tấn về dị nhân, X-Men: Ngày cũ của tương lai quy tụ gần 20 gương mặt nổi tiếng hóa thân thành các nhân vật đột biến, cùng liên minh chống lại một thế lực vô cùng hắc ám.
Một bộ phim không thể bỏ qua
Điểm ấn tượng đầu tiên và trước hết của X-Men: Ngày cũ của tương lai chính là cách xây dựng cốt truyện với bối cảnh tương lai – quá khứ đan xen nhau. Chính vì thế mà khán giả vừa có thể xem đến hai phiên bản hình ảnh của giáo sư X Charles Xavier hay Magneto trong cùng một bộ phim. Ở mỗi thời điểm khác nhau, họ có tính cách và kỹ năng, số phận khác nhau, điều này khiến X-Men: Ngày cũ của tương lai trở thành một tác phẩm đặc sắc hơn bao giờ hết.
Lý do của việc du hành thời gian trong phần phim này chính là việc chủng loài dị nhân đang có nguy cơ đứng trước sự tuyệt diệt khi bị truy sát bởi những vệ binh. Chúng là những sản phẩm được sinh ra từ một chương trình quân sự do tiến sĩ Trask khởi xướng. Trong quá khứ, cô nàng dị nhân có thể thay đổi ngoại hình Raven là một trong những mấu chốt khiến chương trình này được khởi động. Chính vì vậy nên Magneto cùng giáo sư X đã cùng “gửi” người sói Wolverine về để ngặn chặn chuyện này xảy ra.
Sự phức tạp và tình tiết đan xen trong nội dung của X-Men: Ngày cũ của tương lai đã phần nào đánh đố nhiều người xem. Những ai vốn chưa từng biết qua X-Men hoặc thậm chí chỉ cần quên một chút chi tiết cũng sẽ khá “điên đầu” với bộ phim này. Song, nếu đã là fan của các dị nhân, bạn sẽ không khỏi trầm trồ thích thú. Cách dẫn dắt của đạo diễn Bryan Singer rất tinh tế, tài tình, vừa đủ dồn dập để khán giả thót tim và cũng vừa đủ tĩnh lặng để người xem có thể trầm ngâm suy nghĩ. X-Men: Ngày cũ của tương lai cũng có thời lượng vừa đủ, không quá dài dòng như các phim bom tấn gần đây nên cảm giác sau khi xem phim xong rất gọn ghẽ, súc tích.
Ấn tượng đến từng chi tiết
Bên cạnh sự chỉn chu trong mặt nội dung, X-Men: Ngày cũ của tương lai còn xứng danh bom tấn bởi những màn kỹ xảo hoành tráng, đặc biệt là các cảnh mô tả trận chiến của các dị nhân. Người xem sẽ được mãn nhãn khi thấy Bobby phóng băng, Sunspot phóng lửa và nàng Blink xinh đẹp tạo ra những lỗ hổng không gian giúp đồng đội dịch chuyển tức thời một cách vô cùng ấn tượng. Bên cạnh đó cũng không thể không nhắc đến những màn hóa quái vật “rợn người” của Beast và các lần thi triển từ tínhcủa Magneto. Mỗi lần Magneto ra tay, dù là khi già hay lúc còn trẻ, đều khiến khán giả phải há hốc mồm kinh ngạc.
Phần âm nhạc của phim được giao cho nhà oạn nhạc John Ottman phụ trách, người đã mang lại cho bộ phim một không khí chung vô cùng bi tráng và sâu lắng. Những giai điệu đan xen vừa cổ điển vừa hiện đại, dồn dập mà lại tĩnh lặng đã biến X-Men: Ngày cũ của tương lai thành một bộ phim đa chiều với nhiều lớp nghĩa. Âm nhạc trong phần phim này cũng có ảnh hưởng khá mạnh mẽ đến cảm xúc của người xem.
Về mặt quay phim, đạo diễn Bryan Singer không đi theo trào lưu xây dựng những khung hình đẹp “nhức nhối” mà phong cách ông chọn thiên về tính hiện thực hơn. Tuy nhiên, góc quay mà Bryan Singer phối hợp với đạo diễn hình ảnh Newton Thomas Sigel không quá màu mè, hoa mỹ nhưng vẫn đậm tính nghệ thuật và có nhiều dụng ý. Ngoài ra, phim còn có nhiều khung hình rộng giúp khán giả có được cái nhìn khá bao quát về toàn cục trận đấu. Và cũng do tiết chế cách quay cận với máy cầm tay nên đạo diễn Bryan Singer đã giúp nhiều khán giả tránh được tình trạng “chóng mặt” sau khi xem phim.
Cuối cùng, có thể kết luận đơn giản rằng X-Men: Ngày cũ của tương lai không chỉ là một trong những bộ phim hoành tráng nhất mùa hè mà còn là ứng cử viên sáng giá cho giải phim bom tấn hay nhất. Dĩ nhiên, không có viện hàn lâm nào trao giải này nhưng tự thân khán giả sẽ biết và ghi nhớ sự hấp dẫn của nó. X-Men: Ngày cũ của tương lai có lẽ không phải là kiểu phim mà bạn có thể hỏi “Nên xem hay không?”. Ngược lại, đây là dạng phim bạn chỉ có thể hỏi: “Nên xem bao nhiêu lần?” và câu trả lời dĩ nhiên là “Càng nhiều càng tốt”.