Indonesia hiện đã dừng bài kiểm tra trinh tiết nữ giới có liên quan đến quân đội.
Phụ nữ Indonesia thực hiện bài kiểm tra sức khỏe để được xem xét vào quân đội. Ảnh: AFP
ÁM ẢNH: NGƯỜI KIỂM TRA CHỦ YẾU LÀ NAM
Ước mơ thời thơ ấu của Rianti (tên do BTV Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đặt do nhân vật không muốn tiết lộ danh tính) là được phục vụ cho Lực lượng Vũ trang Quốc gia Indonesia. Chính vì thế, khi 20 tuổi, cô đã đăng kí tham gia bài kiểm tra đầu vào cho lực lượng quân đội ở Jayapur, thủ phủ tỉnh Papua. Cô ấy nhận được thông báo rằng ngày đầu tiên chỉ là các bài kiểm tra mang thủ tục hành chính. Tuy nhiên, khi tới nơi, cô ấy đã có tâm trạng khác.
"Tôi không biết tại sao họ (những người phụ nữ khác cũng tới kiểm tra) lại được gọi vào trong phòng, nhưng tôi nhớ biểu cảm của họ khi đi ra ngoài. Vẻ mặt họ gượng gạo và nhiều lo lắng," Rianti nói.
Cho tới khi đến lượt mình, Rianti bước vào cùng 3 ứng viên. Bên trong căn phòng, 4 nhân viên y tế - 3 nam, 1 nữ - đang chờ cô. Rianti được yêu cầu cởi đồ để kiểm tra sức khỏe. Cô cảm thấy lo lắng khi biết mình sắp phải trải qua bài kiểm tra trinh tiết.
Khi Rianti nằm xuống giường của bệnh viện, một bác sĩ nam đã đặt hai ngón tay vào âm đạo để xác định xem màng trinh của cô còn nguyên vẹn hay không. Trong lúc đó, người phụ nữ trong đội ngũ y tế rọi đèn pin hỗ trợ nam bác sĩ, miệng lẩm bẩm điều gì đó.
"Tôi chỉ muốn mọi chuyện kết thúc càng nhanh càng tốt. Cảm giác như đây là những phút dài nhất cuộc đời tôi. Tôi chưa bao giờ để một người đàn ông chạm vào mình trước đây, tôi cảm thấy đây là một điều nhục nhã. Tôi đã sốc," Rianti nói.
Điều còn tệ hơn đó là cô ấy phải trải qua bài kiểm tra này 2 lần. Lần thứ 2 là ở trụ sở Lực lượng Vũ trang Quốc gia ở Bandung, phía Tây tỉnh Java.
The Newyork Times đưa tin, Nhà nghiên cứu Andreas Harsono của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã phỏng vấn hàng chục phụ nữ trải qua bài kiểm tra trinh tiết chỉ ra, thường người kiểm tra sẽ là bác sĩ nam và các y tá khác giữ vai, chân của người được kiểm tra. Ông này cho biết, hoạt động này đã xảy ra trong khoảng hơn 5 thập kỉ. Và bởi sự thiếu hụt bác sĩ nữ trong quân đội, 70% đội ngũ y tế tiến hành thực hiện các bài kiểm tra này là đàn ông, mặc dù họ thường có các y tá nữ đi cùng.
Ảnh: Alamy
BÀI KIỂM TRA BẰNG 2 NGÓN TAY
KHÔNG CHẮC CHẮN
Luật của Indonesia và cảnh sát quốc gia Indonesa quy định rằng những tân binh phải có thể chất khỏe mạnh và do đó việc kiểm tra sức khỏe là bắt buộc nếu muốn nhập ngũ.
Việc kiểm tra trinh tiết lần đầu tiên được chú ý tới vào năm 2014 khi HRW tiết lộ rằng những phụ nữ đăng ký tham gia vào lực lượng an ninh Indonesia không chỉ cần được kiểm tra sức khỏe mà còn cần được kiểm tra xem họ đã từng quan hệ tình dục hay chưa. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra, bài kiểm tra này "không có giá trị khoa học".
Ủy ban Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ của Indonesia đã lên án bài kiểm tra trinh tiết này, gọi đây là hành động phân biết đối xử với phụ nữ và vi phạm hiến pháp Indonesia.
Hơn thế, việc vượt qua bài kiểm tra trinh tiết cũng không đảm bảo rằng ứng viên sẽ được ghi danh vào lực lượng vũ trang. Trong trường hợp của Rianti, cô ấy đã bị loại.
Các nữ cảnh sát ở Jakarta. Lực lượng cảnh sát Indonesia thông báo sẽ ngừng các cuộc kiểm tra trinh tiết đối với các nữ cảnh sát nộp hồ sơ vào tháng 11 năm 2017. Ảnh: Shutterstock
TẠI SAO PHẢI KIỂM TRA
Các cuộc kiểm tra trinh tiết là bắt buộc đối với nữ tân binh của quân đội và cảnh sát quốc gia (những người trong độ tuổi 18-20). Nghiên cứu của HRW chỉ ra rằng lực lượng không quân, lục quân và hải quân trong nhiều thập kỉ cũng đã sử dụng bài kiểm tra này đối với các vị hôn thê của các sĩ quan quân đội trước khi kết hôn.
Theo người đứng đầu về truyền thông của lực lượng vũ trang, Thiếu tướng Fuad Basya, đây là vấn đề về an ninh quốc gia. Ông nói: "Nếu không làm theo cách này, những người có thói quen xấu sẽ trở thành quân nhân. Những người lính là người bảo vệ quốc gia. Họ bảo vệ chủ quyền của quốc gia, lãnh thổ và an ninh đất nước."
Ông nói với truyền thông địa phương, nếu một phụ nữ không vượt qua được bài kiểm tra, thì tình trạng tâm lý của cô ấy sẽ không đủ để trở thành một người lính. "[Họ không vượt qua bài kiểm tra] Có thể là do tai nạn, bệnh tật, hoặc là do thói quen. Nếu đó là do thói quen, thì quân đội Indonesia không thể chấp nhận những tân binh như thế này."
Một người vợ trong quân đội được HRW phỏng vấn cho biết: "Quân đội muốn các cặp vợ chồng 'hòa thuận'. Những người đàn ông là quân nhân thường đi công tác xa nhà. Thế nên họ cần phải tin tưởng người vợ của mình."
TƯỚNG QUÂN ĐỘI NÓI SAO LẠI CHỈ TRÍCH?
Vào năm 2015, một tướng đứng đầu quân đội Indonesia đã lên tiếng bảo vệ các cuộc kiểm tra trinh tiết đối với nữ giới muốn gia nhập quân đội.
Tướng Moeldoko bác bỏ sự phản đối kịch liệt của quốc tế về các cuộc kiểm tra, vốn được thực hiện để xác định xem người con gái đó đã quan hệ tình dục hay chưa.
"Vấn đề ở đây là gì? Đó là một điều tốt, tại sao lại chỉ trích?" Jakarta Globe dẫn lời Tướng Moeldoko cho biết.
Vị tướng này phản ứng lại đối với một chiến dịch quốc tế do HRW tiến hành khi đó, nói các cuộc kiếm tra trinh tiết là "phân biệt đối xử và xâm phạm [phụ nữ]"
Tướng Moeldoko cho rằng các bài kiểm tra trinh tiết này là một điều tốt. Ảnh: AP
Nhưng nhà cầm quân người Indonesia khẳng định đạo đức của phụ nữ được xác định bằng bài kiểm tra trinh tiết - cùng với học vấn và sức mạnh thể chất - để phục vụ trong các lực lượng vũ trang của đất nước.
Bài kiểm tra trinh tiết "là một thước đo đạo đức. Không có cách nào khác," tờ Jakarta Globe dẫn lời Tướng Moeldoko nói.
TẬP TRUNG ĐÀO TẠO NĂNG LỰC
Trong một cuộc phỏng vấn vào đầu tháng 8/2021, Tổng tham mưu trưởng quân đội Indonesia Andika Perkasa nói rằng, thủ tục này sẽ được dừng lại, thay vào đó là tập trung vào việc đào tạo năng lực.
"Chúng tôi phải nhất quán. Việc lựa chọn mà chúng tôi với nam và nữ phải giống nhau trên cơ sở kiểm tra khả năng của họ trong việc đáp ứng các điều kiện cơ bản của huấn luyện quân sự," ông nói.
Hoạt động này vào tháng 8/2021 đã chính thức được dừng lại ở cấp quốc gia. Tuy nhiên phát ngôn viên của quân đội nước này vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Đây là một động thái được các nhà hoạt động xã hội ủng hộ từ lâu.
Ảnh: AP
Người phát ngôn lực lượng hải quân Julius Widjojono cho biết, hải quân Indonesia đã tiến hành các cuộc kiểm tra xem những phụ nữ tham gia tuyển chọn liệu có đang mang thai hay không thay vì tiến hành kiểm tra trinh tiết. Ông cũng cho biết thêm: "Cả nam và nữ đều phải trải qua các cuộc kiểm tra giống nhau."
Người phát ngôn của lực lượng không quân AVM Indan Gilang cho biết, các cuộc kiểm tra sức khỏe đối với phụ nữ là để phát hiện những yếu tố làm suy giảm khả năng phục vụ của tân binh mới, đồng thời cho biết rằng khái niệm về "bài kiểm tra trinh tiết" đã không còn tồn tại trong lực lượng.